Thuế môn bài là gì
Trong hoạt động kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp công ty sẽ phải đóng một loại thuế thường niên hằng năm là thuế môn bài. Thuế môn bài là loại thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên phải nộp theo quy định hiện hành của nhà nước. Cùng STECO đi tìm hiểu về thuế môn bài, đối tượng nào áp dụng thuế môn bài và những điều lưu ý
Thuế môn bài là gì?
Thuế môn bài là loại thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp theo Pháp lệnh Thuế Công thương nghiệp 1983.
Hiện hành, thuật ngữ “thuế môn bài” không còn được sử dụng rộng rãi. Mà thay vào đó thuật ngữ “lệ phí môn bài” được dùng thay thế.
Những đối tượng cần nộp lệ phí môn bài?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, đối tượng nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức nêu bên trên (nếu có).
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đây, lệ phí môn bài được gọi là thuế môn bài, tuy nhiên từ ngày 01/01/2017 theo Luật Phí và lệ phí 2015, Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì thuế môn bài được thay bằng lệ phí môn bài. Do đó, lệ phí môn bài với thuế môn bài 2024 là một.
Đối tượng được miễn nộp thuế môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài (thuế môn bài) theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP) gồm:
(1) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
(2) Cá nhân nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(3) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
(4) Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
(5) Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
(6) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
(7) Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
(8) Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
- Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
(9) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017) được thành lập trước ngày 25/02/2020 thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày 25/02/2020 đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày 25/02/2020 thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
(10) Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Các mức đóng thuế môn bài
Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP), mức thu lệ phí môn bài (hay còn gọi là thuế môn bài) đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3 triệu đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2 triệu đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1 triệu đồng/năm.
Lưu ý: Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định nêu trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Trường hợp có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
- Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Do đó, tổ chức thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể căn cứ vào mức lệ phí được quy định bên trên để đóng phí môn bài theo quy định.
Đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có mức thu lệ phí môn bài như sau:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1 triệu đồng/năm.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500 ngàn đồng/năm.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300 ngàn đồng/năm.
Lưu ý: Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Như vậy, cá nhân, hộ gia đình khi hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài theo mức như quy định nêu trên.
Đối với một số trường hợp đặc biệt
(i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 06 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 06 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
(ii) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
(iii) Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30/01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
Thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài
Hạn nộp thuế môn bài được quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
- Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
- Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn.
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.
+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Như vậy, theo quy định nêu trên thời hạn nộp thuế môn bài năm 2025 chậm nhất là ngày 30/01/2025.
Cách nộp thuế môn bài
Bước 1: Truy cập trang web thuedientu.gdt.gov.vn
Bước 2: Đăng nhập bằng tài khoản doanh nghiệp
Bước 3: Sau khi đăng nhập chọn [Nộp thuế] => Chọn ngân hàng cần nộp tiền thuế môn bài => Tiếp tục
Bước 4: Điền tờ khai thông tin nộp thuế môn bài 2024
Lưu ý:
- Loại tiền sẽ chọn là VND
- Trích từ tài khoản số: Chọn số tài khoản của Ngân hàng đã chọn ở bước 3 để trích nộp tiền vào ngân sách nhà nước
- Thông tin cơ quan quản lý thu: Mặc định thông tin cơ quan quản lý thu của doanh nghiệp.
Sau đó, người nộp thuế kéo xuống tại ô Loại thuế: Chọn “Thuế Nội địa”.
Bước 5: Trong mục [Các loại thuế khác], click [Lựa chọn] => Tờ khai (Số quyết định, thông báo chưa có nên sẽ nộp theo Tờ khai) => Chọn Tờ khai
Sau đó, kéo xuống dưới tại mục “Thuế Môn bài” chọn 01/LPMB - Tờ khai lệ phí môn bài (TT80/2021) => Kỳ thuế/Ngày quyết định/Ngày thông báo chọn Nộp thuế theo năm: 00/CN/YYYY và điền năm vào ô bên cạnh để được “00/CN/năm” , năm 2025 thì điền [00/CN/2025]
- Tại mục Nội dung các khoản nộp NSNN chọn Mục 2850 – Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh => Tra cứu => Chọn mức lệ phí môn bài mà doanh nghiệp phải nộp (Tiểu mục)
Người nộp thuế dựa vào bậc thuế môn bài tương ứng => Điền số tiền phải nộp tương ứng, ví dụ bậc 2 sẽ điền 2.000.000 đồng => Nhập vào ô Ghi chú: "Nộp tiền lệ phí môn bài 2024"
Bước 6: Chọn [Hoàn thành] và kiểm tra lại thông tin => Chọn [Ký và nộp]
Bước 7: Sau khi Ký số và nộp thành công thì người nộp thuế tiến hành tra cứu bằng cách sau:
- Chọn [Nộp thuế] => [Tra cứu giấy nộp tiền] và tiến hành tra cứu theo ngày lập giấy nộp tiền (tức ngày nộp).
Những quy định về mức phạt khi nộp chậm tờ khai thuế môn bài
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CPvề xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
- b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt tiền đối với hành vi chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài được chia thành các mức phạt như sau:
(1) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp tờ khai lệ phí môn bài quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày.
(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp tờ khai lệ phí môn bài quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một các hành vi nộp tờ khai lệ phí môn bài được quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
(5) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp tờ khai lệ phí môn bài quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài phải nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
Và buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi:
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế thì mức phạt tiền của cá nhân bằng một nửa mức phạt tiền của tổ chức (căn cứ tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.)
Tổng kết
Lệ phí môn bài (trước đây gọi là thuế môn bài) là khoản phí bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. Mức đóng lệ phí môn bài được xác định dựa trên vốn điều lệ hoặc doanh thu của từng đối tượng. Đồng thời, pháp luật cũng quy định một số trường hợp được miễn lệ phí môn bài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mới, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và một số lĩnh vực đặc thù. Việc kê khai và nộp lệ phí môn bài cần tuân thủ đúng thời hạn quy định để tránh các chế tài xử phạt.