Trang chủ / QUẢN TRỊ NHÂN SỰ VỚI THÁP NHU CẦU MASLOW Copy

QUẢN TRỊ NHÂN SỰ VỚI THÁP NHU CẦU MASLOW Copy

10/10/2024 - 5935 Lượt xem

QUẢN TRỊ NHÂN SỰ VỚI THÁP NHU CẦU MASLOW

          Tháp nhu cầu Maslow được áp dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống. Ứng dụng mô hình Maslow trong quản trị nhân sự là một trong những phương pháp hiệu quả để nâng cao sự gắn kết và phát triển trong doanh nghiệp.

           1. Tháp nhu cầu Maslow là gì?

Tháp nhu cầu Maslow là một lý thuyết về tâm lý học được Abraham Maslow - Một nhà tâm lý học nổi tiếng nghiên cứu và phát triển từ năm 1943 để mô tả về tâm lý và động cơ của con người thông qua mô hình tòa tháp với 5 tầng của tòa tháp tương ứng với 5 mức độ nhu cầu của con người.

Mỗi tầng của tháp sẽ phản ánh nhu cầu theo từng mức độ phức tạp khác nhau, càng lên cao thì nhu cầu của con người càng được thể hiện cao hơn.

          2. Các cấp độ của tháp nhu cầu Maslow

Các cấp độ của tháp nhu cầu Maslow tính từ mức độ thấp nhất đến mức độ cao nhất bao gồm:

          2.1 Nhu cầu sinh lý (đáy tháp)

          Đây là nhu cầu cơ bản nhất đòi hỏi về những thể chất cho sự tồn tại của con người bao gồm không khí, đất, nước, thực phẩm, ngủ,.... Nếu nhu cầu này không được đáp ứng, con người sẽ không thể duy trì được sự sống. Vì vậy, đây chính là nhu cầu quan trọng phải đáp ứng đầu tiên.

          2.2 Nhu cầu được an toàn

          Khi nhu cầu sinh lý của con người đã được đáp ứng thì nhu cầu được an toàn của con người sẽ được ưu tiên. Nhu cầu trong tháp nhu cầu Maslow này bao gồm sức khỏe, thể chất, an ninh gia đình, việc làm, an ninh tài chính,...

          2.3 Nhu cầu xã hội

          Khi nhu cầu sinh lý và an toàn được đáp ứng, con người sẽ tập trung sự chú ý của mình hơn vào nhu cầu giao lưu tình cảm. Theo tháp nhu cầu, con người luôn khao khát yêu và được yêu. Họ muốn được hòa nhập vào cộng đồng, muốn sống trong một gia đình hạnh phúc, muốn có mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, người thân. Nếu không đáp ứng được nhu cầu này họ sẽ lo lắng, cô đơn và trầm cảm.

          2.4 Nhu cầu được kính trọng

          Tương tự với mong muốn được yêu thương, nhu cầu được kính trọng là điều mà bất kỳ ai cũng muốn được đáp ứng. Sự tôn trọng trong tháp nhu cầu Maslow có thể được thực hiện thông qua sự tôn trọng của người khác, cảm giác tự trọng, sự thành thạo, độc lập, tự tin, tự do, năng lực,...

          2.5 Nhu cầu thể hiện bản thân (đỉnh tháp)

          Khi các nhu nói trên đều đã được đáp ứng, con người sẽ tập trung hơn vào những tiềm năng đầy đủ của họ. Mức độ nhu cầu này được tháp nhu cầu Maslow mô tả là con người luôn có mong muốn đạt được tất cả mọi thứ thuộc lĩnh vực của mình, phải đứng nhất và hoàn thiện được những gì mà mình đang sở hữu.

          Thực chất, mục đích cuối cùng mà con người muốn được đáp ứng mọi nhu cầu ở mức độ cao hơn chính là để duy trì và bảo vệ những nhu cầu thấp hơn.

          3. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị nhân sự như thế nào?

          3.1 Nhu cầu về sinh lý

          Theo tháp nhu cầu Maslow, nhà quản trị cần phải nắm bắt được những mong muốn của nhân viên trong công việc, mong muốn của nhân viên đối với Công ty. Lương thưởng và phúc lợi luôn là những vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với nhân viên. Bởi đây là hai yếu sẽ quyết định khả năng cá nhân họ có duy trì được cuộc sống của họ hay không?

          Doanh nghiệp hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này một cách nhanh chóng bằng cách đưa ra chính sách lương cùng chế độ đãi ngộ công bằng, phù hợp với thị trường lao động. Mọi đánh giá được dựa trên những tiêu chí khác nhau như chỉ số đo lường hiệu suất (KPI), thái độ làm việc, …

          Bên cạnh đó, Doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn tới nhu cầu cơ bản của nhân viên. Bằng các đảm bảo phúc lợi như thưởng doanh số, lương tháng 13, … hay tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên, du lịch hàng năm, …

          3.2 Nhu cầu an toàn

          Nhu cầu an toàn trong tháp Maslow được ứng dụng như thế nào trong nhân sự? Khi tuyển dụng, ứng viên muốn cảm nhận được sự an toàn, rõ ràng và minh bạch trong hợp đồng lao động cũng như các chế độ y tế bảo hiểm.

          Ngoài ra, Doanh nghiệp có thể cân nhắc một số giải pháp dưới đây:

          -   Tạo lập một không gian làm việc an toàn với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

          -  Tuân thủ và đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn lao động. Chẳng hạn, trang bị đồng phục bảo hộ lao động, tiến hành xây dựng hệ thống chữa cháy khẩn cấp.

          -  Công khai thông tin Công ty khi tuyển dụng để thu hút ứng viên tiềm năng.

          -   Đồng bộ các quy chế về tăng ca, chế độ lương thưởng hợp lý nếu có OT.

          -   Đảm bảo khối lượng công việc được phân chia phù hợp, đảm bảo công bằng xét trên khía cạnh sự nỗ lực.

          -   Thiết lập không gian để phát triển về thể chất và tinh thần cho nhân viên.

          3.3 Nhu cầu xã hội

          Nhu cầu xã hội trong nhân sự chính là những mong muốn về tình cảm, sự gắn bó, … của nhân viên với công việc. Vậy làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu xã hội của các thành viên trong tổ chức? Điều quan trọng của vấn đề này nằm ở sự tương tác giữa các nhân viên với nhau (hay còn gọi là quan hệ đồng nghiệp); sự tương tác giữa nhân viên và người quản lý Doanh nhiệp.

          Các Doanh nghiệp có thể thực hiện:

          -   Tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội mở rộng giao lưu giữa các bộ phận, phòng ban thông qua hoạt động kết nối hàng tháng, cuộc thi nội bộ giữa các Phòng/Ban....

          -   Tạo cơ hội để nhân viên đưa ra những suy nghĩ qua các buổi review giữa các quý.

          -   Tạo môi trường tương tác qua các dịp lễ như Quốc tế Phụ nữ 8/3, sinh nhật của nhân viên, …

          3.4 Nhu cầu được quý trọng

          Khi đã gắn bó đủ lâu với doanh nghiệp, nhân viên sẽ tự động hình thành nhu cầu được trình bày, được chia sẻ, được góp tiếng nói của mình. Mong muốn được công nhận về năng lực cùng sự đề bạt thăng tiến cũng là một trong những nhu cầu rất lớn của mỗi nhân viên.

          Để đáp ứng nhu cầu đó, Doanh nghiệp nên:

          -   Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nhân sự, lộ trình thăng tiến của từng vị trí. Qua đó, tạo cơ hội để mỗi nhân viên có thể cạnh tranh công bằng để chứng minh giá trị bản thân.

          -   Xây dựng các chính sách đánh giá, nhận xét nhân viên theo khung tiêu chí: chuyên môn, thái độ, kỹ năng, …

          -   Hoàn thiện các chính sách tuyên dương, khen thưởng cho những nhân viên có thành tích nổi bật.

          3.5 Nhu cầu được thể hiện bản thân

          Lương luôn đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, đến một thời điểm, tiền không phải là thứ duy nhất để giữ chân nhân viên lâu dài. Lúc này, điều họ quan tâm là tìm thấy niềm vui trong công việc. Dưới đây là cách thức giúp tháp nhu cầu Maslow trong quản trị được vận hành hiệu quả.

          -   Tạo cơ hội cho nhân viên phát triển và sáng tạo nhiều hơn trong công việc. Mỗi dự án nên được giao cho mỗi thành viên phù hợp tương xứng với năng lực. Đồng thời, nhân viên rất cần sự dẫn dắt, hỗ trợ từ những người giàu kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

          -   Khuyến khích nhân viên đưa ra những đóng góp vào quá trình phát triển trong hoạt động của tổ chức.

          -   Tạo điều kiện để nhân viên bộc lộ tiềm năng, thể hiện các lý tưởng dưới các hình thức khác nhau.

          Lời kết,

          Với tháp Maslow, Doanh nghiệp sẽ nhận ra các nhu cầu tâm lý và mức độ quan trọng của những nhu cầu cần thiết mà nhân viên mong muốn. Vận dụng một cách khoa học tháp nhu cầu Maslow trong nhân sự chắc chắn sẽ giúp lãnh đạo hiểu và đáp ứng hiệu quả mong muốn của nhân viên, cùng như, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân.

 

Tư vấn hoàn thiện Quy trình quản trị nhân sự trong Doanh Nghiệp

Điện thoại: 032 519 1269

Email: [email protected]

Địa chỉ: NO12-LK12-21, khu đất dịch vụ Dọc Bún 1, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Chúng tôi rất mong được hợp tác với quý khách hàng trong công việc!