Trang chủ / Sở hữu trí tuệ / Dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu

Dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu

06/05/2025 - 163 Lượt xem

Dấu hiệu nhận biết hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được hiểu là các hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần của nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Tại Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm các yếu tố sau:

  • Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
  • Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
  • Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
  • Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.
  • Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
  •  Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
  • Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Những trường hợp xâm phạm nhãn hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hành vi xâm phạm nhãn hiệu sẽ được xác định nếu thực hiện những hành vi sau đây mà không được chủ sở hữu cho phép:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng khớp với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ giống với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng khớp với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng khớp, tương tự hoặc liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng khớp hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho bất kỳ hàng hoá, dịch vụ nào, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng khớp, không tương tự và không liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá hoặc tạo ra ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các hành vi bị xem xét là xâm phạm nhãn hiệu khi có đủ các căn cứ như sau:

  • Đối tượng bị xem xét nằm trong phạm vi những đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Đối tượng bị xem xét có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu;
  • Người thực hiện hành vi này không được coi là chủ sở hữu quyền trí tuệ và không có sự cho phép từ pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền, trừ khi có các trường hợp ngoại lệ;
  • Hành vi bị xem xét đang xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, hành vi bị xem xét cũng được xác định là xảy ra tại Việt Nam nếu xảy ra trên internet nhưng nhắm đến chủ thể là người tin dùng hoặc người tiêu dùng ở Việt Nam

Xử phạt hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử phạt về trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm hành chính

Theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất với cá nhân vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu là 250 triệu đồng, với tổ chức là 500 triệu đồng. Mặt khác, đối tượng xâm phạm nhãn hiệu phải có các biện pháp khắc phục hậu quả.

Về trách nhiệm dân sự

Theo quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Về trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 226 Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý như sau:

“Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu

Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu cần những giấy tờ sau: 

  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc giấy tờ liên quan chứng minh quyền sở hữu/ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu.
  • Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu) với chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với chủ sở hữu là doanh nghiệp.
  • Mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu của cá nhân/doanh nghiệp.
  • Mẫu sản phẩm của đối tượng vi phạm nhãn hiệu hoặc tài liệu liên quan chứng minh dấu hiệu vi phạm của đối tượng vi phạm.
  • Thông tin của đối tượng vi phạm: tên doanh nghiệp, thông tin liên hệ, địa chỉ,…
  • Thực hiện giám định nhãn hiệu để xác định chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm nhãn hiệu của đối tượng vi phạm.
  • Giấy ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý thủ tục (nếu có).

Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu

Quy trình giải quyết thực hiện xử lý vi phạm bao gồm 3 bước:

Bước 1: Giám định nhãn hiệu

  • Sau khi nhận ủy quyền, bên nhận uỷ quyền sẽ thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục Giám định nhãn hiệu tại Viện khoa học sở hữu trí tuệ.
  • Tra cứu và xác định đối tượng giám định.
  • Tra cứu và xác định nội dung yêu cầu giám định.
  • Thời gian giám định: thường trong 22 ngày làm việc hoặc nhanh nhất trong 03 ngày làm việc.

Bước 2: Tư vấn cảnh báo vi phạm với đối tượng vi phạm

Sau khi nhận được kết quả Giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ,  bên nhận uỷ quyền sẽ tiến hành cảnh báo đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm nhãn hiệu (thông qua tư cách đại diện):

  • Tra cứu và xác định thông tin của đối tượng vi phạm.
  • Tư vấn, soạn thảo, hoàn thiện các văn bản yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.
  • Đại diện cho chủ thể sở hữu nhãn hiệu liên hệ và làm việc với đối tượng vi phạm yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Bước 3: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm bằng biện pháp hành chính

  • Đại diện cho chủ thể sở hữu nhãn hiệu liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm: Cơ quan quản lý thị trường, Cơ quan Công an Kinh tế, Cơ quan quản lý thị trường, Bộ thông tin truyền thông,…

Tổng kết

Việc xác định và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về quy định pháp luật cũng như trình tự, thủ tục thực hiện. Dấu hiệu nhận biết và yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm được quy định rõ ràng tại các văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung), Nghị định 65/2023/NĐ-CP, Nghị định 105/2006/NĐ-CP… Đây là căn cứ quan trọng để xác định những hành vi bị coi là vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Các biện pháp xử lý có thể bao gồm trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự, với mức xử phạt và hậu quả pháp lý nghiêm khắc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ thể sở hữu nhãn hiệu. Đặc biệt, quy trình xử lý vi phạm nhãn hiệu gồm 3 bước: giám định nhãn hiệu, cảnh báo đối tượng vi phạm và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp hành chính – là trình tự rõ ràng, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao.

Việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý, tiến hành giám định và thực hiện các bước xử lý một cách kịp thời không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu, uy tín và quyền lợi kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì và phát triển giá trị thương hiệu một cách bền vững.